Đặc điểm từ vựng Phương ngữ Thanh Hóa

Một số từ đặc trưng của phương ngữ Thanh Hóa: trốc (đầu), trượng (mắt), me (con bê), ỉn, ỉ (con lợn), ruốc (moi), con của (vật nuôi), anh đỏ, chị đỏ (trai gái nông dân lấy vợ, lấy chồng chưa có con)...[9], cắm (sủa).

Khá nổi bật là nhóm từ thường dùng trong khẩu ngữ[2] hay về mặt từ loại là các đại từ[35], rất giống với phương ngữ Nghệ Tĩnh như đại từ nghi vấn: mô (đâu), chi (gì), răng (sao)…, đại từ chỉ định: ni (này), tê (kia), nớ (ấy), ở ri (thế này)…, đại từ xưng hô: mi (mày), nớ (ấy), tau (tao)…. Một số đại từ nhân xưng trong phương ngữ Thanh Hóa cũng được sử dụng trong một số thổ ngữ thuộc vùng phương ngữ Bắc Bộ như cha (bố, cũng xuất hiện ở Hà Nam), thầy (bố), dượng (chồng của dì, cũng dùng ở Thái Bình)… …[36]. Đặc biệt, từ cha ở Thanh Hóa cũng như ở Hà Nam, được dùng để khóc người cha đã mất[36], không dùng trong đời sống như ở Nghệ Tĩnh. Đôi khi một số đại từ ngôi thứ ba giống phương ngữ Nam Bộ như cách nói tắt ổng (ông ấy), ảnh (anh ấy), trỏng (trong ấy)… nhưng có nhiều từ không gặp ở các phương ngữ khác như mê (nhiều), mê ra (nhiều lắm), mê man (rất nhiều), cả cả (tất cả)…

Ngoài những từ đồng nghĩa nhưng khác âm với tiếng Việt phổ thông như đã nêu ở trên, phương ngữ Thanh Hóa còn có một số từ đồng âm nhưng khác nghĩa với tiếng Việt phổ thông như mê man (rất nhiều), tê (kia, không phải ở trạng thái mất hết cảm giác ở một bộ phận nào đó của cơ thể), cân kè (cây cọ), cấy đài (cái gầu múc nước)… [37]

Trong nhiều trường hợp, phương ngữ Thanh Hóa không thay thế hoàn toàn so với tiếng Việt phổ thông, mà chỉ được sử dụng trong một số ngữ cảnh nhất định. Ví dụ kêu được dùng để thay thế gọi trong các trường hợp[37]:

  • Gọi để người khác nghe mà đáp lại: Kêu em viền ăn cơm.
  • Yêu cầu phải đến nơi nào đó: Kêu hắn về nước.
  • Gọi bằng tên gọi: Cô ấy kêu là Hoa.

Nhưng lại dùng gọi trong một số ngữ cảnh khác: Gọi đến cơ quan, Tiếng gọi của trái tim…

Một phương thức cấu tạo từ đa tiết trong phương ngữ Thanh Hóa là kết hợp yếu tố địa phương với yếu tố toàn dân. Về từ láy, có mê man (rất nhiều), lần khân… Về từ ghép có ăn trấm, ăn trẩy, ăn trắt…[37]

Tính chuyển tiếp của phương ngữ Thanh Hóa thể hiện rõ trong hệ thống từ vựng. Trong khi sử dụng cùng thạch sùng, thằn lằn, rèm, màn với phương ngữ Bắc Bộ (tương ứng trong các phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ là thằn lằn, rắn mối, màn, mùng) thì cũng dùng hòm, rương như phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ (tương ứng trong phương ngữ Bắc Bộ là áo quan, hòm) [38].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phương ngữ Thanh Hóa http://www.ninh-hoa.com/Ninh-HoaDOTcom-GSNguyenHuu... http://www.vjol.info/index.php/NNDS/article/view/1... http://ngonngu.net/index.php?p=313 http://www.vienvhnn.net/index.php/nghien-cuu-ngon-... http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201... http://baothanhhoa.vn/news/47037.bth http://baothanhhoa.vn/news/68737.bth http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsd... http://khoavanhoc.edu.vn/index.php?option=com_cont... http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC...